Nhật kí xuất du giúp ích trường tiểu học Mỹ Hiệp 2
Nhật kí xuất du giúp ích trường tiểu học Mỹ Hiệp 2
Kết thúc một giấc ngủ muộn vì công tác chuẩn bị, 3h30 chúng tôi thức dậy thu xếp hành trang và chất lên xe. Tầm 4h30, chúng tôi xuất phát.
Vì đồ mang theo khá nhiều nên chúng tôi gặp vấn đề về gửi đồ theo xe khách. Buộc lòng trưởng Trí phải tách đoàn, đi xe khách riêng để hộ tống mớ đồ đó. Thu xếp xong mọi người lại lên xe tiếp tục chuyến hành trình về miền Tây.
Trưởng Trọng bắt đầu giới thiệu tổng quan chương trình và các thành viên làm quen nhau, nói cười rôm rả được một tí thì ai nấy đều ngủ ngã rạp vào nhau như những cây lúa mùa mưa bão. Tầm 6h30 thì trời mưa nặng hạt. Nhưng thời tiết này không thể nào làm ảnh hưởng đến kế hoạch “tác chiến” của Thanh Đoàn Nhân Hòa.
Đến 8h, xe bắt đầu rẽ vào một con hẻm nhỏ tưởng chừng như một con heo đang cố chui vào cái áo thun size S. Con đường này một bên là nhánh sông, một bên là nhà dân. Nó khá hẹp nên phải chạy rất chậm và kĩ thuật, phải cực kì điêu luyện để có thể vượt qua những cây cầu mini.
Bò qua được cây cầu thứ nhất, mọi người ai nấy đều lỡ mất một nhịp tim. Tới cây thứ hai, chúng tôi nín thở khi vừa tới chân cầu, kiểu như một con voi đang thong thả qua cây cầu dừa, buộc lòng chúng tôi phải xuống xe một nửa để qua cầu an toàn. Đến chân nhịp cầu thứ tư , máu vừa lên tới não lại vội tột dốc theo chân cầu. Đến đây thì màu xanh của cây cối đã hiện ra rậm rạp hơn, đường ngày càng nhỏ lại, đến một khúc cua thì chúng tôi gặp một xe cẩu đang khổ sở quay đầu, cứ tưởng chiếc xe cồng kềnh đó bị vướng luôn vào bụi chuối và những cây xoài thì bất ngờ đầu xuôi đuôi lọt. Chiếc xe vừa khuất bóng thì chân cầu thứ năm hiện ra lập lò. Thêm một giọt mồ hôi con lăn trên trán bác tài và mắt mọi người bỗng to hơn bình thường quan sát hai bên để xe mười sáu chỗ trườn qua nhẹ nhàng. Trưởng Trọng vì giúp xe tránh chướng ngại nên xuống xe điều khiển lưu thông sẵn tiện hỏi đường. Nhưng vì nhầm lẫn hay sao, anh kêu xe đi trước. Kết cục anh đã bị bỏ lại, đi bộ một quãng đường dài mới tới trường…
Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một đám trẻ con đang hì hục xới đất khiêng lấp vào chân tường của hàng rào đang xây dở. Phía bên trong, cái gọi là trường học thì tôi thấy đó là một dãy phòng cũ kĩ màu vàng ngà bám bụi và những khung cửa đã nhợt nhạt màu xanh bám đầy rỉ sét. Hương đất hòa mùi ẩm ướt xông lên sau cơn mưa làm tôi nhớ lại kí ức đã nhòe vể những ngơi trường làng bé xíu ở quê nội nơi sông nước bùn lầy miệt vườn.
Qua cuộc trò chuyện với thầy Lâm, được biết trường Mỹ Hiệp II được xây dựng từ năm 1982. Khi ấy trước bờ thềm nhà trường là hai hố bom với nền đết sình lầy. Học sinh khi ấy vui chơi vẫn hay bị trượt té, trầy xướt da thịt.
Đến1993, trường được cấp kinh phí xây dựng lại có phần khang trang hơn nhưng sân trường thì vẫn còn hạn chế. Được một nữ Việt kiều hảo tâm giúp đỡ, từ khuôn viên sân đất nay đã được lót gạch tàu với hàng cây xanh che bóng mát trên những chiếc ghế đá khi các em học sinh vui chơi.
Các em học giỏi và rất ngoan nhưng vì hoàn cảnh có nhiều em phải bỏ học di cư theo gia đình. Đó hiện là vấn đề nan giải chung của nhà trường và các thầy cô. Bên cạnh đó còn môt vấn đề khó khan như thế này: trường đạt chuẩn quốc gia thì sẽ được chính quyền ban ngành cấp kinh phí nhiều hơn để tu sửa trường nhưng muốn đạt chuẩn quốc thì phải đảm bảo số lượng học sinh đi học chuyên cần. Cứ như thế trôi qua mười năm. TrườngTHCS Mỹ Hiệp II vẫn cứ trong vòng luẩn quẩn đó và theo ngày tháng lại càng xuống cấp, xập xệ hơn làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Cuộc gặp gỡ với thầy hiệu trường Nguyễn Văn Ngởi ngay khi chúng tôi đến giúp ích là tại một căn phòng nhỏ hơn so với năm phòng học kia, sức chứa chỉ vừa đủ tầm mười người chúng tôi. Bốn mặt vách tường đều được tận dụng các chỗ trống để treo hoặc bố trí các lịch giảng dạy, thông báo, bảng tổng kết,bằng khen … Ngay cả phòng thư viện cũng vậy, sách vở học tập, nghiên cứu, dụng cụ học tập, dụng cụ đoàn đội tuy không nhiều nhưng khi dồn hết vào căn phòng nhỏ bé đó thì những bước đi cũng phải trở nên cẩn thận hơn nếu không muốn va chạm.
Sau cuộc tiếp xúc về tình hình tổng quan với thầy hiệu trưởng, chúng tôi bắt tay vào công việc. Điều đầu tiên đó là chà các khung cửa cho sạch các lớp hoen gỉ lâu năm. Công việc của một “ phụ hồ ” đây là lần đầu chúng tôi trải qua nên không thể tránh khỏi những vấn đề khó khăn phát sinh. Chúng tôi phải dùng bàn chải sắt, cây sủi sắt để thay cho những miếng giấy nhám yếu mềm không thể làm sạch những vết gỉ sét cứng đầu. Với nhân lực hùng hậu, làm việc hùng hụcvà hăng hái nên thoáng chốc chúng tôi bước qua công đoạn sơn. Đội ngũ phụ hồ Nhân Hòa lau quét lại các khung cửa và mạng nhện trên tường một lần nữa rồi cùng bắt tay vào sơn phết lại từng chỗ cho thật đẹp, thật kĩ. Các thầy và nhất là thầy hiệu trưởng cũng có tác phẩm cho riêng mình.
Các em nhỏ được thầy thông báo sẽ có các anh chị từ thành phố xuống giúp trường học xanh, sạch, đẹp hơn nên đã rất háo hức đón chờ đoàntừ tờ mờ sáng. Khi chúng tôi làm việc, các em luôn theo sát và tìm đủ cách để giành được giúp rất tích cực. Các em gỡ các tấm hình cũ, quét nhà, dọn rác và cả muốn sơn thử các cánh cửa.
Hình ảnh năm sáu em chụm lại quét sơn sao cho đẹp lên cánh cửa thật dễ thương và xúc động. Các em thì hào hứng với cái việc sơn đó, còn chúng tôi thì lại sợ các em bị ngộ độc sơn nên cứ bảo các em đi chỗ khác chơi, đến mức một vài anh chị phải dữ dằn lên các em mới chịu đi. Nhưng chỉ được một lúc thì đâu cũng vào đấy các em lại tìm cách sơn tiếp. Trẻ con thật ngây thơ và lúc nào cũng đầy năng lượng. Nhìn lại lúc bốn người chúng tôi cùng sơn cánh cửa trong một góc phòng cũng chẳng khác gì lũ trẻ ban nãy. Chẳng qua là to xác hơn và sơn đẹp hơn thôi. Tất cả mọi người rất vui vẻ, nói cười rôm rả và cứ tha hồ lấm bẩn.
Trong lúc làm chúng tôi thường xuyên bị thiếu sơn và các dụng cụ hỗ trợ công việc. Nhưng đó cũng chỉ là những khó khăn nho nhỏ không làm vơi bớt được sự hồ hởi trong mỗi người. Cả tổ làm điện cũng thế, có thể nói đó là nhóm chịu khá nhiều áp lực về tiến độ công việc và gặp nhiều trục trặc nhất. Lúc thì không có điện, lúc phải khoan dọc, lúc phải khoan ngang, khoan qua khoan lại lại trúng cột đà, lúc thì đinh ngắn không ăn, lúc thì đinh dài, lúc thì dây điện bị ngắn mạch, mọi thứ chồng chéo lên nhau làm cả ngày đầu tiên chỉ mới được một phần duy nhất. May mà đến lúc ăn cơm tối thì chân mày của Anh Thợ Điện cũng giãn ra được một tí.
Các bạn nữ tắm trước còn các bạn nam thì ăn xong lại bắt tay vào công việc đến tận khuya.
Sau một ngày vất vả ai nây đều lăn ra ngủ ngon lành chẳng thèm quan tâm đến cái thời tiết lạnh lẽo ở đây và đàn muỗi vo ve rình mò suốt đêm.
Khởi đầu buổi sáng ngày thứ hai, nhìn mặt ai nấy đều đơ ra, lặng lẽ ngồi ở một gốc cây. Còn lũ trẻ từ sớm đã có mặt ở trường vây quanh anh Đức và anh Dần – mang lại những tiếng cười vui tươi của ngày mới. Đến khi tập hợp mọi người lại ăn sáng uống café thì không khí có phần hứng khởi trở lại và có vẻ như nhiều năng lượng hơn. Chúng tôi lại bắt tay vào công việc, đã đến phần dọn dẹp vệ sinh và trang trí lại năm phòng học. Đến trưa thì phần điện đã hoàn tất ba phòng, hai phòng còn lại chúng tôi đành bàn giao lại cho trường và thầy hiệu trưởng với một số tiền hỗ trợ nho nhỏ. Ai nấy đều chúi đầu vào công việc để hoàn tất nhanh nhất mà chẳng để ý từ bao giờ các em học sinh đã tập trung đến trường và nô đùa đầy sân. Giờ sinh hoạt thì chưa tới nhưng mây đen thì đang ùn ùn kéo về. Chúng tôi buộc lòng phải thay đổi kế hoạch cho các em vào chơi trong lớp học trong khi bên ngoài trời mưa rả rích. Khi nhìn nét mặt hớn hở của các em lúc được phát quà và hăng hái tham gia các trò chơi thì chúng tôi nhận ra rằng các em đã mong mỏi điều này lâu lắm rồi và sẽ càng phấn khích hơn nữa nếu chúng tôi quay trở lại đó lần nữa…
Một buổi chiều vui hết mình cùng các em khiến cho tất cả chúng tôi quên hết mệt mỏi. Không hiểu sao trò chơi vừa kết thúc thì trời cũng tạnh mưa như khẽ nhắc rằng chuyến đi giúp ích ngôi trường bé nhỏ thân thương này sắp kết thúc.
Chúng tôi ngồi lại ăn bữa chè cuối cùng với các thầy cô trước khi khởi hành về lại thành phố. Nhờ có các cô thiệt tâm mà chúng tôi được hỗ trợ ba bữa cơm đơn sơ mộc mạc mà ấm lòng. Nhờ có các thầy cô giúp sức trong từng công đoạn mà chúng tôi có thêm tinh thần làm việc nỗ lực hơn nữa. Nhờ sự có mặt và những buổi trò truyện nho nhỏ với các em mà chúng tôi biết rằng chút công sức của mình là niềm hạnh phúc lớn trong ánh mắt tuổi thơ của các em vùng quê này.
Thu xếp xong chúng tôi chụp lại những tấm hình làm kỉ niệm. Khi ấy chỉ còn lại năm em và thầy hiệu trưởng đứng tiễn chúng tôi ra xe. Lúc đứng chờ dưới cột cờ, các em ấy cứ nằng nặc nài nỉ đoàn chúng tôi trở lại chơi với các em lần nữa. Và rồi thì trong những đôi mắt ấy sáng và ngây thơ ấy, chúng tôi nhận thấy một sự nghẹn ngào chất chứa đang dâng lên. Cô bé Huỳnh Như quay mặt đi, mắt hoe hoe nhìn về phía xa con đường,tôi không còn nhìn thấy được nụ cười xinh và nét tinh nghịch trong đôi mắt hồn nhiên này nữa mà giờ chỉ có dòng nước mắt lẳng lặng trôi dọc theo sống mũi trong tiếng sụt sùi…
Xe lăn bánh, các em chỉ còn biết dõi theo và giơ tay lên chào chúng tôi. Cuộc hành trình hai ngày ngắn ngủi đã kết thúc , để lại trong mỗi chúng tôi đầy những cảm xúc, bao dư âm niềm vui cùng sự lưu luyến.
Thanh sinh Dương Tiểu Phụng