Cảm nhận chuyến đi từ thiện mái ấm Phan Sinh
Khoảng 1 giờ chiều ngày thứ 7, mọi người tập trung ở Chùa Tam Tông Miếu chuẩn bị cho chuyến đi đến thăm Mái ấm Phan Sinh. Nhưng do trời mưa mà lại gặp thêm một số trục trặc về xe nên anh Trọng quyết định sẽ chuyển đồ bằng cách gửi xe buýt chứ không đi xe máy như dự tính, cảm giác có chút gì đó lo lắng vì mãi đến 2 giờ đoàn còn chưa khởi hành. Cuối cùng sau một hồi vất vả với những kiện hàng, đoàn cũng đến được mái ấm. Tiếc là do trời đã tối nên không thể phụ giúp các cô cho các em ăn chiều và dọn dẹp khuôn viên như đã hứa, nhưng ai cũng hiểu rằng mình nợ Mái ấm một lần giúp ích sau…
Tuy không thực hiện trọn vẹn lời hứa nhưng chúng tôi lại có cơ hội được nói chuyện với Thầy, được nghe kể về cuộc đời của những con người nơi đây. Lần đầu tiên tôi được biết là con người cũng phải có quyền mới có thể chết. Nghe Thầy kể: “Do mái ấm chưa được cấp giấy phép hợp pháp nên mọi người ở đây chỉ được sống chứ không được phép chết, muốn chết thì phải chết chui… May mắn là những người ở đây rất biết điều, chết cũng trong yên lặng và không gây ra sự cố gì.” Vừa kể Thầy vừa cười, nụ cười nhìn từ trong khóe mắt chất chứa nỗi buồn và cả một sự mỉa mai cho một đời người – thoảng hoặc nó chỉ có trong suy nghĩ của tôi.
Từ “may mắn” ấy ám ảnh tôi mãi, về quyền sống và được sống của một con người. Phải chăng khi người ta sinh ra và lớn lên trong một điều kiện bình thường thì cái quyền đó là hiển nhiên nên tôi chẳng hề hay biết. Còn đối với những người có hoàn cảnh éo le và khó khăn thì ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ bé và giản đơn ấy lại là một ước mơ không tưởng.
Mong rằng khi có dịp trở lại nơi này, thì mái ấm đã có thể tồn tại hợp pháp và mọi người ở đây vẫn còn hiện diện, bởi cuộc sống của họ có thể chỉ tính bằng ngày bằng tháng, nay gặp mai không. Chẳng phải là lần đầu tiên đi từ thiện chung với Đoàn, nhưng chưa lần nào tôi lại ấn tượng về ngôi nhà – nơi ở của những người khuyết tật không phải chỉ về thể xác mà cả về mặt tinh thần này đến vậy. Về thầy Châu người mà vẫn tự gọi mình là thằng vào ban ngày, và thầy vào ban đêm. Do ban ngày, Thầy phải tất bật đến những công ty, xí nghiệp gần đó xin cơm về nuôi heo nuôi cá, hoặc đổi cơm thừa lấy tiền phụ chi tiêu cho mái ấm nên người tay vẫn gọi thầy là “thằng”, còn ban đêm Thầy lại trở về với công việc thường nhật là một người thầy giáo dạy tiếng Anh. Về một người cô hy sinh cả đời mình để ở lại chăm sóc cho những bạn nhỏ khuyết tật, về chị sinh viên mới ra trường tình nguyện đến phụ giúp những công việc lặt vặt cho mái ấm dù là ở rất xa. Về tình người ấm áp bởi trong những hoàn cảnh khó khăn thì ta mới cảm nhận được tình yêu thương chân thành. Nhớ nụ cười thật tươi của cậu bé mà tôi đến giờ vẫn không nhớ tên, chỉ biết em thích được ôm và được bế lên cao, thật vui vì có cơ hội được quen biết em.
Thế mới thấm thía được bài học quý giá mà Thầy Châu và mọi người nơi đây đã chỉ cho tôi. Rằng đôi khi không phải chúng ta giúp họ mà chính họ đã giúp ta - dạy chúng ta bài học về sự yêu thương, về tình yêu không vụ lợi tính toán, về nụ cười vô tư lự và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón lấy những người cần đến mình. Mong rằng sẽ sớm có cơ hội đến thăm lại mái ấm một lần nữa.
Phạm Thị Ái Vân